Ninh Thuận: Ưu tiên phát triển năng lượng sạch

Gia Vũ
Chủ Nhật, 02/04/2017

Ninh Thuận có khí hậu khá đặc thù: ít mưa, khô nóng, gió nhiều. Dựa vào đặc điểm này, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng sạch.


Tiềm năng được đánh thức

 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m mật độ gió đạt từ 400 – 500 W/m2 trở lên, đảm bảo ổn định cho tua-bin phát điện. Ngoài ra, Ninh Thuận còn có lượng bức xạ nhiệt mặt trời khá lớn với khoảng 230 kcal/cm2; số giờ nắng trung bình cả năm đạt từ 2.600 – 2.800 giờ và phân phối tương đối đều quanh năm, nên được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.

 

Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên này, từ năm 2011 đến nay tỉnh ta đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ban hành các chính sách ưu đãi như: Miễn tiền thuê đất từ 3 – 15 năm; miễn thuế thu nhập từ 2 – 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 – 9 năm tiếp theo (tùy theo danh mục các dự án và địa bàn đầu tư), nhằm xây dựng môi trường đầu tư tốt và thuận lợi nhất, để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Với sự nỗ lực của tỉnh, đến nay ở lĩnh vực điện gió có 8 dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất trên 514 MW, tổng vốn đăng ký hơn 19.700 tỷ đồng; 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 267 MW, tổng vốn đăng ký 9.974 tỷ đồng. Trong số các dự án kể trên, đến nay có 2 dự án là: Nhà máy điện gió Trung Nam (của Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam) và Dự án Nhà máy điện gió Mũi Dinh (của Công ty TNHH điện gió Mũi Dinh) đã được khởi công, với tổng công suất gần 130 MW.

 

Đối với lĩnh vực năng lượng mặt trời, đã có 7 dự án được UBND tỉnh chấp thuận cho khảo sát, lập dự án với tổng công suất 720MW. Ngoài ra, còn có hơn 50 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án vào địa bàn tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đăng ký dự án, tỉnh đã thuê Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đang trình Bộ Công Thương phê duyệt. Điều đó cho thấy, tiềm năng, lợi thế về năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh đang dần được đánh thức.

 

Sức bật kinh tế trong tương lai

 

Nhằm tạo cú hích cho phát triển năng lượng tái tạo, năm 2013 tỉnh ta đã trình Bộ Công Thương phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Theo quy hoạch này, trên địa bàn tỉnh có 5 khu vực được quy hoạch phát triển điện gió với tổng diện tích 21.432ha, công suất dự kiến 1.429 MW, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Do vậy, việc các dự án như điện gió Trung Nam và điện gió Mũi Dinh được khởi công vào cuối tháng 8-2016 là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ mở ra triển vọng đánh thức tiềm năng về gió ở tỉnh ta, mà còn tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển trong tương lai.

 

Trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh ta vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ lợi thế lớn nhất của Ninh Thuận là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trọng tâm là điện gió và điện mặt trời. Thủ tướng tin tưởng, với lợi thế mà Ninh Thuận đang có, cộng với định hướng phát triển đã đề ra, có quy hoạch rõ ràng, sẽ là động lực mới để tỉnh khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sạch, góp phần đưa kinh tế phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới.

 

Với sự quyết tâm của chính quyền tỉnh, sự an tâm, tin tưởng của các nhà đầu tư, vào Tháng tư tới đây, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có thêm 1 dự án là Nhà máy điện gió Đầm Nại nằm trên địa bàn 2 xã: Bắc Phong (Thuận Bắc) và Phương Hải (Ninh Hải) được tiến hành khởi công. Dự án do Công ty Cổ phần TSV làm chủ đầu tư, quy mô công suất giai đoạn 1 khoảng 6 MW, dự kiến đến tháng 10 – 2017 hoàn thành đưa vào vận hành thương mại. Ông Đỗ Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TSV chia sẻ: Công ty quyết định triển khai dự án với mong muốn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao uy tín cho đơn vị, mà còn đồng hành cùng tỉnh thực hiện có trách nhiệm chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của cả nước. Sau dự án này, chúng tôi tiếp tục phát triển Dự án Nhà máy điện mặt trời 300 MW ở khu vực phía Nam của tỉnh.

 

Ngoài các dự án kể trên, với quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển kinh tế “xanh-sạch”, hiện tỉnh ta còn tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ,… Khi đi vào hoạt động, các công trình điện gió, điện mặt trời, thủy điện kể trên không chỉ sản xuất ra năng lượng sạch, cung cấp, bổ sung vào lưới điện quốc gia, mà còn giúp tỉnh tăng nguồn thu ngân sách, tạo môi trường trong sạch, mở rộng dịch vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh nhà ngày một phát triển.

Viết bình luận của bạn

Zalo chat

0904596266